Hội Những Người Ái Mộ
BÁC SỸ A.YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA
 

Bác sĩ A.Yersin trong trái tim mọi người

HỘI NHỮNG NGƯỜI ÁI MỘ A. YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA

TIẾP BƯỚC CON ĐƯỜNG NHÂN VĂN CAO CẢ

Nhà bác học Alexandre Yersin, nhà nhân văn lớn của thời đại đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp cho vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa và cho nhân loại. Tên tuổi A.Yersin đã trở thành biểu tượng cao quý suốt đời tận tụy cống hiến cho khoa học, là tấm gương lớn về lòng nhân ái yêu thương con người. Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý Công dân danh dự Việt Nam vì những đóng góp lớn lao cho Việt Nam, cho Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng.

Với tình cảm kính trọng, tin yêu, ngưỡng mộ một cuộc đời bình dị mà cao cả,  những trái tim cháy bỏng tình yêu dành cho ông Năm Yersin đã có nguyện vọng mong muốn thành lập tổ chức Hội. Theo nguyện vọng và đề nghị của Ban vận động thành lập Hội, ngày 20/9/1992 UBND Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 1041/QĐ-UB thành lập Hội Những người Ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa. Hội là tổ chức Hội từ thiện phi chính phủ duy nhất trong toàn quốc mang tên nhà khoa học A. Yersin. 
25 năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các đoàn thể, tổ chức và nhiều cá nhân trong và ngoài nước, Hội không ngừng phát triển, tìm hiểu và vận dụng những thành tựu khoa học của A. Yersin, tăng cường hợp tác quốc tế và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước; tiếp bước con đường nhân văn, nhân đạo cao cả của A.Yersin, đặc biệt nối tiếp công việc chăm lo cho những người nghèo, nhiều đối tượng khó khăn trong và ngoài tỉnh. Tập thể Hội và nhiều hội viên vinh dự nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh  Khánh Hòa, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là nguồn động viên to lớn của Hội để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. 
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Những người Ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa, thay mặt lãnh đạo tỉnh, trân trọng chúc mừng những thành quả Hội đã nỗ lực đóng góp hiệu quả trong thời gian qua. Chân thành cảm ơn các thành viên của Hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã phối hợp với Hội với tấm lòng thiện nguyện cao cả để những tài sản quý giá, giá trị nhân văn cao cả của A.Yersin mãi mãi trường tồn.
Kính chúc Hội tiếp tục phát triển bền vững, chúc thành viên của Hội sức khỏe, hạnh phúc !
                                                                                                                   PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH KHÁNH HÒA

                                                                                                                                          Nguyễn Đắc Tài
 

25 NĂM THEO DẤU CHÂN NGƯỜI

                                                                          GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm
                                                                                              Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang
                                                                                                                   Chủ tịch Hội Những người ái mộ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa

Đã hơn một thế kỷ, tên tuổi nhà bác học lớn Alexandre Yersin đã gắn liền với Nha Trang – Khánh Hòa. Tên ông đã trở thành một biểu tượng cao quý suốt đời tận tụy cống hiến cho khoa học, mang lại sức khỏe, niềm vui, không ngừng nâng cao đời sống của con người, đồng thời là tấm gương lớn lao về lòng nhân ái yêu thương con người, đặc biệt đối với dân nghèo, bệnh tật.
Hội Ái mộ Yersin mang tên nhà khoa học ra đời từ năm 1992. Hơn 25 năm qua, Hội đã tiếp bước con đường nhân văn, nhân đạo của A.Yersin. Hội đã phối hợp cùng các cơ quan trong tỉnh, các hội từ thiện nước ngoài, tổ chức nhiều hội thảo khoa học về A.Yersin. Nhiều tham luận của các đại biểu rất sâu sắc, cảm động về 80 năm cuộc đời, hơn 50 năm làm việc gắn bó với Nha Trang – Việt Nam, đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, tính nhân văn cao cả và công lao to lớn của nhà Bác học Yersin đã để lại cho nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa cũng như đất nước Việt Nam và nhân loại; đồng thời nói lên lòng biết ơn sâu sắc, lòng kính trọng đối với nhà bác học.
Ngài đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Claude Blanche Maison đã xúc động nói: “Tôi đặc biệt sung sướng đến đây để dự hội thảo về Yersin, tôi đến đây để tưởng nhớ một ngươi thầy thuốc, một nhà bác học, một nhà khoa học, nhưng trước hết tôi muốn chào người thầy thuốc luôn gần gũi với nhân dân Nha Trang - Việt Nam. Đó là một nhà nhân văn chân chính”.
Ngài Peter Friederich, Đại sứ liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã vô cùng đúng đắn trong việc ca ngợi con người chí công vô tư, xuất thân từ Thụy Sỹ, từ Pháp, và con người này bây giờ đã trở thành con người Việt Nam”.

img330
Từ phải sang, ông Jacques-Henri Penseyres, GS.TS.BS Thú y, FVH, Chủ tịch Hội ái mộ Bác sĩ A.Yersin Thụy Sĩ (AAAYS); Bà Anna Owhadi Richardson, Chủ tịch Hội ADALY (Pháp); Bà Nguyễn Thị Thế Trâm, GS.TSKH, Chủ tịch Hội những người ái mộ A.Yersin Khánh Hòa.

Hơn 25 năm qua, Hội Những người ái mộ Yersin phát triển không ngừng nhằm tiếp tục phát huy tinh thần nhân đạo cao cả của nhà Bác học Yersin với nhiều hoạt động về người nghèo, về trẻ em mồ côi, khuyết tật, các cháu học sinh nghèo học giỏi…tập hợp được nhiều nhân sĩ, từ cán bộ công chức, hưu trí, các tổ chức nhân đạo, hàng năm giúp trực tiếp cho người nghèo hàng tỷ đồng.
Hội phối hợp với các cơ quan truyền hình, thông tin, báo chí trong và ngoài nước đã sản xuất 8 bộ phim về Yersin, đã phát hành trên VTV5, VTV1…, xuất bản nhiều bộ sách về cuộc đời và sự nghiệp Yersin bằng hai thứ tiếng Pháp – Việt.

img344
GS. Babaintz – Viện Pasteur Paris trao tặng Huân chương hữu nghị cho GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm

Hội đã kết nối, phối hợp với 17 tổ chức quốc tế và cá nhân nhằm phát huy tài sản quý giá nhà khoa học A. Yersin đã để lại với tấm lòng nhân ái và tình yêu con người.
Hội Ái mộ Yersin đã làm tốt công tác đối ngoại, kế thừa và phát huy lòng nhân đạo, tư tưởng nhân văn của nhà Bác học Yersin. Phòng khám từ thiện miễn phí A. Yersin ra đời từ năm 1993 đến nay, hàng tuần khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở Nha Trang - Khánh Hòa và các nơi khác, với sự tài trợ thường xuyên của công ty Khánh Việt, Tập đoàn VinGroup và nhiều tổ chức, cá nhân….
Hội Ái mộ Yersin luôn quan tâm đỡ đầu cho các cháu học sinh nghèo hiện nay học tại trường THCS Yersin tại xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, trường THCS Yersin tại Phường Xương Huân, TP Nha Trang, cũng như trao giải thưởng Yersin cho học sinh thi xuất sắc quốc gia tại tỉnh Khánh Hòa, giúp đồng bào bị bão lụt trong tỉnh và một số địa phương các tỉnh có nhiều khó khăn.

img346
Chủ tịch Hội mặt trời Pháp ngữ Morbihan làm việc với Hội những người ái mộ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa

Mỗi năm, Hội Ái mộ Yersin phối hợp cùng viện Pasteur Nha Trang và các cơ quan trong tỉnh tổ chức lễ trang trọng, thành kính kỷ niệm ngày sinh (22/9) và ngày mất của A. Yersin (ngày 1/3) như một vị tiền nhân được hậu thế trân trọng yêu quý và tri ân sâu đậm. Hiếm có người nước ngoài nào được nhân dân Việt Nam quý mến và ngưỡng mộ, được thờ tại chùa như một vị bồ tát.
Nha Trang - Khánh Hòa đã hình thành một hệ thống công trình hữu nghị mang dấu ấn nhà bác học Alexandre Yersin như: Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng A. Yersin, thư viện Yersin, Viện Vacxin Nha Trang, Công viên và tượng đài A. Yersin trên đường Trần Phú, Khu mộ A. Yersin, Trường THCS Yersin - Nha Trang và THCS Yersin - Suối Cát, Khu du lịch Hòn Bà cùng với các công trình khác trên cả nước.

img349
Chùa Long Tuyền – Suối Cát, Cam Lâm

Nhiều thành phố lớn Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn Đà Lạt có đường mang tên nhà Bác học A.Yersin. Thành phố Nha Trang nơi mảnh đất A. Yersin đã từng sống và làm việc, đường xóm cồn, Lầu ông Năm tiếp theo sẽ được UBND tỉnh nghiên cứu và phục chế lại, sẽ là một công trình văn hóa, mang nhiều ý nghĩa lớn và là sự thể hiện sâu sắc đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", lòng thủy chung, tình nghĩa của người Nha Trang - Khánh Hòa, của mỗi người dân Việt Nam đối với nhà khoa học A.Yersin.
Bác sĩ Yersin ra đi vào cõi vĩnh hằng hơn 70 năm và biết bao biến đổi thăng trầm của lịch sử nhưng với tấm lòng kính mến, biết ơn nhà bác học – một cuộc đời bình dị mà cao cả. Yersin đã góp phần làm đẹp cho Nha Trang Khánh Hòa và Việt Nam hơn một thế kỷ qua và vẻ đẹp ấy càng thêm rạng rỡ trước mắt bạn bè quốc tế, cùng với những bước phát triển và hội nhập sâu rộng của Việt Nam. A Yersin xứng đáng với danh hiệu người công dân danh dự Việt Nam của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng.
Hội Ái mộ Yersin hơn 25 năm qua đã phát huy, kế thừa lòng nhân đạo, tư tưởng nhân văn của Yersin, để thế kỷ 21 là thế kỷ khoa học của nhân văn và tình yêu con người mà Yersin là một biểu tượng vô cùng rực rỡ.


NGƯỜI CỐNG HIẾN TRỌN CUỘC ĐỜI CHO QUÊ HƯƠNG TÔI
                                                            GIANG NAM
                                                                                                             Nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Với tư cách là người hâm mộ, yêu quý ông ngay từ thuở còn đi học, người đã cùng cố chủ tịch Võ Hòa vào Nam, ra Bắc đề bàn với Trung Ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch cho phép Khánh Hòa tổ chức hội thảo quốc tế lớn về Yersin tại Nha Trang ngày 01 và 02/3/1991, tôi xin được phép nói lên tình cảm “đặc biệt” của mình đối với Ông, nhà bác học lớn, nhà nhân văn lớn của thời đại đã chọn Khánh Hòa Nha Trang làm nơi hoạt động và yên nghỉ cuối đời của mình.

img413

Đồng chí Võ Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh làm việc với Thứ tưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Nông Quốc Chấn về di tích lịch sử A.Yersin năm 1990

Trong suy nghĩ của tôi, cuộc đời Alexandre Emile Yersin, mỗi hành động, lời nói của ông luôn gây sự bất ngờ, luôn mang đến cái mới về tri thức và tình cảm mà trước ông chưa ai có được. Ông là người nước ngoài đầu tiên chọn Xóm Cồn nghèo của ngư dân Nha Trang để ở, ông cũng là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất được nhân dân Khánh Hòa tôn vinh là đức Phật, được thờ trong chùa sau khi mất và được công nhận là danh nhân lịch sử của Việt Nam.
Ông là người nước ngoài đã chọn nơi yên nghỉ cuối cùng tại Suối Dầu, nơi ông coi là quê hương của mình, viết Di chúc không cho bất kỳ ai dời thi hài của ông đi nơi khác. Lời của ông đã được bà con Suối Dầu kiên quyết thực hiện, làm thất bại chủ trương của Chính phủ Pháp muốn đưa hài cốt của Ông về điện Panten, nơi dành cho những nhân vật nổi tiếng nhất của nước Pháp.
Ông là người không chấp nhận “Thầy thuốc chữa bệnh mà lấy tiền của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo” (Thư gởi mẹ). Bằng các hoạt động khoa học, nghề nghiệp, chăn nuôi... Ông tự tạo ra nguồn tài chính để có tiền nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh.
Trong cuộc hội thảo quốc tế về A.Yersin vào tháng 03 năm1991 ở Nha Trang, đã có nhiều bản tham luận, phát biểu rất có giá trị ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Ông. Việc tìm hiểu và vận dụng những thành tựu của Yersin, tăng cường hợp tác quốc tế và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước đã được đặc biệt chú trọng (Lá thư từ Nha Trang, ngày 02/3/1991).


 img428
Lầu Ông Năm ở xóm Cồn Nha Trang

Vậy thì Ông là ai ? Theo suy nghĩ của tôi, Ông là “tất cả”. Một người lính biển; một chiến sĩ đấu tranh giành mạng sống cho con người; một nhà khoa học; một nhà hiền triết; một nghệ sĩ và một dân thường... đúng Ông là “tất cả”.
Tôi xin trích đoạn bài thơ nói lên cảm xúc của mình:
Người đã sống như một người chiến sĩ
Vật vã từng đêm nghiên cứu tìm tòi
Đêm Hương Cảng, những thây người quằn quại
Tiếng ai khóc than đốt cháy tim Người (1)

Người đã sống như một nhà khoa học
Sự nghiệp cao hơn mạng sống của mình
Trái tim lớn gửi trăm miền đất nước
Không bạc vàng, không cả cuộc đời riêng.

Người đã sống như một nhà hiền triết
Bao lo toan vẫn thanh thản, nhẹ nhàng
Không tranh cãi, không những lời “to lớn”
Tính từng bước đi vững chắc, rõ ràng.

Người đã sống như một người nghệ sĩ
Bao nỗi đau chất nặng trong lòng
Yêu gió ban mai, yêu đêm tiếng sóng
Yêu đất trời, cái im lặng mênh mông.

Người đã sống như một người dân dã
Cho kẹo các em, hỏi chuyện mẹ già
Chiếu áo kaki bốn mùa sương gió
Với dân chài quen thuộc tự ngày xưa.

Thế đấy Yersin, con người trầm lặng
Mà cứng như thông đứng giữa trời
Mà cuộc sống tính từng giây, từng phút
Vì con người, vì thế giới ngày mai.

Buổi ra đi, giản dị như mọi người
Người yên nghỉ mắt nhìn ra bốn hướng
Hòn Bà phía Tây, phía Đông là biển
Nơi người đến đầu tiên có một xóm chài

Nha Trang ơi, con đường lớn tên người
Kỷ niệm xốn xang mỗi ngày qua lại
Nơi người đến đầu tiên trăm năm còn mãi
Lại trở về những giá trị ngàn năm

(Bài thơ này đã được tạp chí của Sứ quán Pháp ở Việt Nam số tháng 6/1991 dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp với chú thích: “Một bài thơ lấy ngay trong cuộc hội thảo chưa in ở đâu cả”. Tôi nghĩ A.Yersin ở một nơi rất xa và cũng rất gần đã đọc được tấm lòng của chúng ta).

(1) Vụ dịch ở Hương Cảng (Hồng Kông) nơi Ông tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch.

 

ALEXANDRE YERSIN VỚI NHA TRANG – KHÁNH HÒA

                                                                                                                                                    Nhà văn Nguyễn Gia Nùng

Alexandre Yersin với Nha Trang – Khánh Hòa có một mối lương duyên kỳ lạ, không nơi nào có được. Sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại tổng Vaud, Thụy Sĩ, sau khi tốt nghiệp đại học y Paris năm 1888, ông gia nhập quốc tịch Pháp, làm việc tại viện Pasteur Paris với chân trời khoa học đang rộng mở nhưng chưa đầy 2 năm ông đột ngột rời bỏ viện Pasteur Paris để làm hợp đồng với một tàu viễn dương hành trình qua nhiều nơi trên thế giới.
Trong một lần qua Việt Nam, nhìn cảnh quan thiên nhiêm tươi đẹp của Vinh Nha Trang, ông rời tàu lên bờ thám hiểm để rồi năm sau ông quyết định quay trở lại nơi này, chọn Nha Trang, Khánh Hòa để sống và làm việc cho đến trọn đời. Điều gì đã khiến Yersin có một tình yêu sét đánh với Nha Trang như vậy? Trong một bức thư từ Nha Trang gửi cho người bạn thân là bác sĩ Roux ở viện Pasteur Paris, Yersin viết: “ Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một không khí thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”. Vậy là đã rõ. Nha Trang khi ấy chỉ là mấy xóm chài thưa thớt, nghèo đói, chỉ có thiên nhiên tươi đẹp nhưng đây là xứ sở của nông nghiệp, nhiều dịch bệnh, rất cần phát triển trồng trọt và chăn nuôi, cần sự giúp đỡ của khoa học. Lấy Nha Trang làm điểm tựa, từ Nha Trang, Yersin đã đến Hồng Kong và phát hiện ra vi trùng bệnh dịch hạch. 1894, một căn bệnh đã và đang gây ra bao nỗi kinh hoàng cho nhân loại và cùng với viện Pasteur Paris tìm ra thuốc điều trị.

Nha_lam_viYc_cYa_A.Yersin_tYi_Hon_baNhà làm việc của bác sĩ A.Yersin tại Hòn Bà

Cũng từ Nha Trang, Yersin đã khám phá tìm ra Đà Lạt và đề nghị xây dựng nơi đây thành một thành phố nghỉ mát cho toàn cõi Đông Dương. Ông thành lập viện Pasteur Nha Trang và trại chăn nuôi, thực nghiệm Suối Dầu. Ông cũng là người đầu tiên đưa cây cao su và cây canhkina vào trồng và phát triển thành công ở Việt Nam. A. Yersin còn là người xây dựng và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Y Khoa Đông Dương. Suốt một đời sống giản dị như một nhà tu hành, không vợ con, mọi tiền tài, công đức đều dành cho khoa học, phục vụ cho cuộc sống con người, Yersin mất ngày 01 tháng 3 năm 1943, thọ 80 tuổi, trong sự tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và bà con ở xóm Cồn, Nha Trang. Ông dặn dò những đồng nghiệp thân cận: “Hãy chôn tôi ở Suối Dầu và sau này không được để ai lấy tôi đi”.
Khu mộ Yersin ở Suối Dầu, chùa Linh Sơn, Bảo tàng Yersin ở Nha Trang đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu người công dân danh dự Việt Nam cho bác sĩ A.Yersin./.


NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ THEO TIẾNG GỌI CỦA A. YERSIN
                                                                         Jacques-Henri Penseyres, GS. TS. BS.Thú Y, FVH
                                                                                              Chủ tịch Hội Ái Mộ Bác Sĩ Alexandre Yersin - Thụy Sĩ (AAAYS)

Ngày 22 tháng 9 năm 2016, Hội Ái mộ bác sĩ Alexandre Yersin ở Thụy sĩ lần đầu tiên có vinh dự được Hội Những người ái mộ Alexandre Yersin tỉnh Khánh Hòa - Việt Nam chào đón rất nồng nhiệt tại Thành phố Nha Trang nhân dịp lễ kỷ niệm 153 năm ngày sinh nhật của bác sĩ A. Yersin.
Hội Ái mộ A. Yersin tại Thụy sĩ vừa được thành lập ngày 24 tháng 10 năm 2015 tại Morges - Thụy sĩ, với tình cảm ngưỡng mộ, yêu quý sự nghiệp và tấm lòng nhân ái của A. Yersin, vinh dự và mong muốn có thể trợ giúp đến Hội Những người Ái mộ Yersin tỉnh Khánh Hòa ở Việt Nam, người anh cả của mình, suốt 25 năm qua đã miệt mài dành nhiều công sức phát huy sự nghiệp và tinh thần nhân đạo, tấm lòng từ thiện cao cả của ngài đáng kính bác sĩ Yersin, người công dân danh dự Việt Nam. Ở đây cũng cho thấy những nỗ lực của Hội Những người Ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh  Hòa, đặc biệt trong công trình xây dựng và duy trì một phòng khám bệnh và dụng cụ thiết bị, cung cấp miễn phí về tư vấn y tế, về điều trị và cung cấp các loại thuốc cho hơn 100.000 người trong hoàn cảnh khó khăn ; đồng thời đã trao học bổng cho nhiều học sinh đến từ các gia đình nghèo.

 img483
            Hội ái mộ Bác sĩ A.Yersin Thụy sĩ tại TP.Nha Trang tháng 3/2017

Cũng như người anh cả ở Việt Nam, Hội Ái mộ bác sĩ Alexandre Yersin ở Thụy sĩ chủ yếu hợp tác với các tổ chức khoa học và nhân đạo ở nước ngoài. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng được thiết lập, lần đầu tiên, với các hội bạn ở Việt Nam và Pháp (d’Adaly có trụ sở tại Montpellier) một hệ thống hợp tác quốc tế. Từ điểm xuất phát đầy hứa hẹn này, nguyện vọng của chúng tôi là toàn tâm, toàn ý kiên quyết hướng về tương lai, tập trung vững chắc vào những nỗ lực chung nhằm tôn vinh và phát huy sự nghiệp cao cả của nhà khoa học nổi tiếng A. Yersin.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Hội Những người ái mộ Alexandre Yersin tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi xin gửi đến Hội lời chúc mừng với những kết quả tốt đẹp hội đã dành công sức to lớn trong 25 năm qua, chúc Ban chấp hành và và các thành viên sức khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng để có thể tiếp tục lâu dài những nỗ lực thiện nguyện tốt đẹp.
Đồng thời chúng tôi vô cùng biết ơn GS. TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Chủ tịch sáng lập Hội Những người ái mộ Alexandre Yersin tỉnh Khánh Hòa. Bà đã đóng góp công sức to lớn cho Hội trong 25 năm qua và giúp chúng tôi kết nối với  các tổ chức, cá nhân để có kinh nghiệm trong việc thành lập Hội  Ái mộ bác sĩ Alexandre Yersin ở Thụy sĩ, tổ chức các hoạt động và hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách.
Từ đáy lòng mình, chúng tôi thành thật cảm ơn Hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoạt động trong thời gian qua và được trở lại Việt Nam để tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Những người ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa - Việt Nam. Chúng tôi xin chúc Hội mọi việc thành công tốt đẹp, thành viên của Hội có cuộc sống trường sinh và rạng rỡ.
 img486         Tại Lễ kỷ niệm 153 năm ngày sinh bác sĩ A.Yersin ngày 22/9/2016 tại Nha Trang, Từ trái sang, đứng thứ 2 ông Jacques Henri Penseyres - Chủ tịch Hội AAAYS (Thụy Sĩ), Bà Nguyễn Thị Thế Trâm - Chủ tịch Hội những người ái mộ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa, Bà Anna Owhadi Richardson - Chủ tịch Hội ADALY (Pháp).

 

NHIỆM VỤ CỦA TRÁI TIM
                                              Lý Bá Lin
                                           Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Khánh Hòa

Ở tuổi 88, chị vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn, nói năng trôi chảy và lưu loát khi sử dụng tiếng Pháp cũng như khi điều hành các nội dung chương trình hoạt động của Hội ái mộ Yersin Khánh Hòa. Với cương vị là chủ tịch của Hội trong hơn 20 năm, chị đã xây dựng Hội ái mộ Yersin Khánh Hòa thành chiếc cần hữu nghị đến với Thụy Sĩ, Pháp và bạn bè quốc tế gần xa. Mỗi nhịp cầu được nối đều bằng chính công sức của chị và các cộng sự trong BCH với lứa tuổi 2/3 đều dưới 80… Chị là Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Thế Trâm. Nguyên là Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang…

img360
Thứ 2 từ trái sang: GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, ông Lý Bá Lin tại Công viên A.Yersin

Bằng sự nỗ lực và sáng tạo với niềm tin yêu và kính trọng ông A.Yersin, Hội ái mộ Yersin Khánh Hòa được thành lập trên cơ sở tập hợp những trái tim cháy bỏng tình yêu dành cho ông Năm Yersin. Cố bác sĩ Kiều Xuân Cư, chị Nguyễn Thị Thế Trâm, nhà thơ Giang Nam, chị Diệu Hương, anh Thanh Xuân…cùng với các cộng sự khác, bằng các chương trình hành động của mình đã làm sống dậy hình ảnh bác sĩ, nhà khoa học A.Yersin ông Năm Yersin trong lòng nhân dân Nha Trang, Khánh Hòa và bạn bè trên Thế giới.

img363
Ông Jacques-Henri Penseyres, GS.TS.BS. Thú Y, FVH - Chủ tịch Hội ái mộ Bác sĩ A.Yersin – Thụy sĩ (AAAYS) và ông Lý Bá Lin, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Khánh Hòa tại tượng đài Công viên A.Yersin

Xóm Cồn Nha Trang từ những năm cuối thế kỷ XIX xuất hiện một người Âu châu lặn lội, chăm chỉ, cần cù chăm lo cho dân nghèo tại đây. Chiếu phim cho trẻ em xem, khám và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân địa phương, xây dựng nông trại và trại nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh phòng dịch bệnh, thám hiểm, khám phá những vùng đất lạ của phía Tây Khánh Hòa…Từ một người khác chủng tộc, màu da, dần dần ông trở thành một thành viên của bà con dân chài, một người thầy, một người anh, một người cha hết đỗi thân thiết. Tiếng gọi trìu mến “ông Năm Yersin” được bà con gọi ông những lúc vui buồn, biển động, sóng êm…và khi nhắm mắt xuôi tay – để lại cho nhân loại một kho đồ sộ về kiến thức y học, thiên văn học, nông học – nguyện vọng của ông là được nằm lại trên mảnh đất Khánh Hòa – Suối Dầu – Cam Lâm – nơi ông yên nghỉ nghìn thu từ bấy đến nay luôn khói hương nghi ngút. Ngày mất của ông hằng năm đều đón hằng trăm khách thập phương đến từ năm châu bốn biển, cùng nhân dân xã Suối Cát tưởng niệm, dâng hương…
Hội ái mộ Yersin Khánh Hòa đã nối tiếp công việc còn dang dở của ông là chăm lo cho những người nghèo, phòng khám bệnh miễn phí được mở ra hằng năm khám và cấp thuốc cho trên 250 bênh nhân; cứ mỗi khi Tết đến xuân về, hàng vạn phần quà được Hội vận động gửi đến các gia đình còn khó khăn, chật vật trong cuộc sống. Trẻ con các vùng sâu vùng xa được đón nhận hàng ngàn chiếc xe đạp từ vòng tay yêu thương của Hội gửi đến các em. Hội cũng đã vận động cho một ngôi trường THCS – nơi ông yên nghỉ - mang tên ông và một ngôi trường nơi ông đã từng sống và làm việc được mang tên Yersin. Cạnh xóm Cồn là công viên Yersin và tượng đài ông Năm được xây dựng trang trọng, sừng sững bên biển xanh gió lộng. Ông hằng ngày vẫn còn đó, ngắm nhìn sự đổi thay phồn thịnh của thành phố mà ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình. Và trong năm 2013, nhân kỉ niệm 70 năm ngày mất của ông, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ra quyết định truy tặng danh hiệu người công dân danh dự Việt Nam cho bác sĩ A.Yersin. Trong buổi lễ công bố quyết định, tôi tìm thấy những ánh mắt sáng và nụ cười mãn nguyện của những thành viên sáng lập Hội và của đông đảo người trong khán phòng. Vui và tự hào trước sự vĩ đại của ông Năm Yersin và kể từ hôm nay ông và người dân Việt Nam đã trở thành đồng bào thân thiết.
Tôi có bàn với anh Xuân – Phó Chủ tịch Hội rằng các bác, các cô đã vượt quá tuổi để làm công việc vất vả này anh phải tính đội ngũ kế thừa trong nhiệm kì tới. Anh vui vẻ trao đổi: “Cũng đã đến lúc chúng tôi lui vào hậu trường, tuy nhiên, còn sức còn minh mẫn chúng tôi sẽ không rời xa Hội”... Nhiệm vụ trái tim nghe có vẻ xa lạ trong đời sống của nền kinh tế thị trường, nhưng trong lĩnh vực công tác này nó mới là tiêu chí hàng đầu. Vâng, bằng chữ tâm dẫn đường, Hội ái mộ Yersin Khánh Hòa đã truyền cảm hứng về sự yêu thương và đức hi sinh cho các thế hệ nối tiếp “Sống mà không dịch chuyển không phải là sống”, câu nói trên của ông Năm Yersin chính là động lực cho Hôị tiếp tục những công việc cao cả của mình.
 

         

NHỚ ÔNG YERSIN
                                                    Nông Quốc Chấn

                                                                                       Ông đến từ Châu Âu
                                                                                       Mang đến lòng nhân ái
                                                                                       Ông nghỉ ở Suối Dầu
                                                                                       Còn tiếng thơm mãi mãi.

                                                                                       Nơi xa trời xanh thẳm
                                                                                       Tôi muốn nhắn bạn bè
                                                                                       Có thương nhau thì đến
                                                                                       Hát : “ Người ơi… đừng về ”
                                                                                                                   Nha Trang, 2/3/1991


          
CHÚNG TÔI BƯỚC TIẾP
                                                              Nhà thơ Giang Nam

Một đốm lửa giữa đêm đen
Một hàng cây che nắng
Một trái tim mẹ hiền
Một bàn tay sưởi ấm
Ôi có phải nơi này còn giữ lại
Những gì người mang nặng thưở bình sinh
Xóm Cồn khói bếp rất xanh
Người đứng đó bên các bạn dân chài nghèo khổ
Alexandre Yersin
Một tâm hồn lộng gió
Mà tình thương ôm  trọn vạn cuộc đời
Phòng khám hôm nay rực ánh mặt trời
Nhớ hôm qua Người đến từng nhà phát thuốc
Đường Nha Trang, bóng cao gầy quen thuộc
Giờ chúng tôi lại đi …
Phòng khám mang tên Yersin bà con đến mỗi ngày
Như đến với người thân sẻ chia, hy vọng
Nỗi đau, niềm vui … Giá người còn sống
Một viên thuốc cho đời, cùng lẽ sống thiêng liêng
Đất nước còn nghèo ai có thể quên
Cái buổi ban đầu, chắt chiu gây dựng
Phòng khám đơn sơ, người ngồi, người đứng
Những thầy thuốc dịu hiền quên ngủ quên ăn
Ngày xưa người không bỏ nhân dân
Lẽ nào chúng tôi quên lời ký thác
“Hãy chôn tôi trên đất này”, “hãy giúp bệnh nhân nhiều nhất”
Chắc Người vui nhìn con cháu hôm nay
Con đường Người đi đầu thế kỷ chông gai
Dành cho chúng tôi thênh thang bước tiếp.
(Ngày khánh thành phòng khám A. Yersin 11 Sinh Trung)

 

SỐNG MÃI
                                                          GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm

Dòng chảy nào đưa ông đến Nha Trang
Alexandre Yersin, con người nhân ái
Nhà bác học tài ba, vĩ đại
Giản dị cuộc đời, gần gũi nhân dân
Dãi đất hoang sơ ngày ông đặt bước chân
Nay đã là một thành phố đẹp
Viện Pasteur bên bờ biển biếc
Trưởng thành lên cùng với thời gian.
Vì sức khỏe con người, không quản ngại khó khăn
Lời ông khuyên được kế thừa bao thế hệ
Nhớ ơn ông dân Khánh Hòa luôn kể
Kỷ niệm xưa và lập miếu thờ
Những giai thoại về ông thành nhạc thành thơ
Sống mãi trong tâm hồn người Việt.