Hội Những Người Ái Mộ
ALEXANDRE YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA

ALEXANDRE YERSIN VÀ HỘI NHỮNG NGƯỜI ÁI MỘ BÁC SĨ A. YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA

Monday, 16/01/2023, 14:53 GMT+7

Sự hiện diện trong hai thế kỷ của người Pháp ở Đông Dương, đặc biệt ở Việt Nam, đã nổi lên một nhân vật được nhắc nhở và ngưỡng mộ, đó là nhà bác học nổi tiếng Alexandre Yersin, nhà khoa học lỗi lạc của thế giới tri thức, nhưng đối với người dân Việt Nam tại Nha Trang chỉ đơn giản là “ÔNG NĂM”, một con người có tấm lòng nhân ái, hiến trọn đời mình cho nhân loại và đã chọn Nha Trang - Khánh Hòa là nơi hoạt động và yên nghỉ cuối đời.

Khi còn trẻ, Ông đã sớm được tôn vinh trên thế giới nhưng đã để lại đằng sau những danh vọng đối với một nhà khoa học, Yersin quyết chí viễn du và lên đường sang Viễn Đông trên chuyến tàu của hãng Hàm Rồng. Yersin đặt chân lên bờ biển Việt Nam xinh đẹp đã mở đầu cho mối lương duyên giữa nhà khoa học mang quốc tịch Pháp với vùng đất Nha Trang vào ngày 29/7/1891, trong hơn nửa thế kỷ đã gắn bó với mảnh đất hình chữ S cùng những câu chuyện huyền thoại.

Từ năm 1891-1894, Ông đã một mình hoặc cùng vài người dân rong ruổi khắp mọi miền đất nước, bước chân Ông đã đi qua 1/3 lãnh thổ Việt Nam, vượt dãy Trường Sơn kỳ vĩ. Cuộc thám hiểm lần thứ 2 vào ngày 21/6/1893, Ông đã tìm ra vùng cao nguyên rộng lớn đặt tên LANGBIANG (thành phố Đà Lạt ngày nay), cùng với đỉnh núi Hòn Bà.

Về công tác khoa học, Ông đã tìm ra vi trùng dịch hạch được đặt tên YERSINA Pestis và điều chế thành công huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.

Tại Việt Nam, Ông là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang năm 1895, Ông là người đầu tiên nhập và trồng cây cao su, cây canh ki na, xây dựng trại chăn nuôi Suối Dầu, giúp đỡ thú y về các bệnh gia súc. Năm 1902, Ông là người sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y tại Hà Nội. Từ năm 1905 đến năm 1918, Ông được cử làm Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, đại diện viện Pasteur ở Đông Dương, Tổng thanh tra, Giám đốc Viện Pasteur Paris khi bác sĩ ROUX tạ thế. Ngoài công tác y học, Ông có công lớn trong việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm và khí tượng thủy văn.

Yersin là một vĩ nhân, nhà bác học lỗi lạc nhưng cuộc sống vô cùng giản dị, nghĩa tình dành cho người dân Nha Trang cứ như vậy tiếp tục không ngừng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay một cách thanh thản vào ngày 1/3/1943. Ông được chôn cất trên ngọn đồi tại Suối Dầu theo di nguyện, nơi đây chỉ có lời thì thầm của tán lá cao su vẫn tiếp tục ru ngủ linh hồn Ông, tiếp tục rủ bóng che chở thân xác Ông đến ngày nay.
Đầu năm 1990, UBND tỉnh Khánh Hòa có tờ trình đến Bộ Thông tin Văn hóa đề  nghị công nhận cụm di tích lịch sử văn hóa A. Yersin ở Nha Trang - Khánh Hòa, nhưng gặp nhiều trở ngại vì nhiều người chưa hiểu hết tình cảm và công việc mà Yersin đã đóng góp cho nhân dân, đặc biệt ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Đồng chí Võ Hòa (Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa) sang Viện Pasteur Nha Trang đề nghị tôi nên có tờ trình gửi Bộ Thông tin Văn hóa chứng minh Yersin là một nhà khoa học chân chính, tôi có trình bày với Chủ tịch tỉnh nếu Viện Pasteur làm tờ trình thì không thuyết phục, và tôi đề nghị nên thành lập một Hội mang tên Yersin tập hợp được tiếng nói và tình cảm, lòng yêu quý và tôn thờ của quần chúng đối với Yersin. Đồng chí Võ Hòa thấy hợp lý và ra quyết định số 634QĐ/UB ngày 24/5/1990 cho phép thành lập Ban vận động Hội Những người ái mộ A. Yersin do bà Nguyễn Thị Thế Trâm - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, kiêm trưởng ban vận động cùng một số đồng chí đã gần gũi với A. Yersin như bác sĩ Kiều Xuân Cư, ông Lê Quang Giao... Ban vận động đã tổ chức một hội thảo quần chúng, đưa ra được những chứng minh cụ thể những cống hiến của Yersin trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam gởi cho Bộ Thông tin Văn hóa.

Để ghi nhớ công ơn A. Yersin và thể theo nguyện vọng của nhân dân Nha Trang -Khánh Hòa, Bộ Thông tin Văn hóa đã ban hành quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990 xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm:

  • Thư viện, Bảo tàng A. Yersin trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang;
  • Chùa Linh Sơn Pháp Ấn tại Suối Cát;
  • Khu lăng mộ Yersin tại Suối Dầu.

Nhằm lan tỏa tinh thần của Yersin ra toàn quốc và thế giới, nhân kỷ niệm 100 năm Yersin đến Việt Nam, ngày 1/3/1991, Bộ Thông tin Văn hóa, UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang và Hội Những người ái mộ A. Yersin tổ chức hội thảo khoa học về Yersin gồm rất nhiều đại biểu trong và ngoài nước, đặc biệt có Ngài Claude Blanche Maison, Đại sứ Pháp tại Việt Nam; Ngài Peter Friederich, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam; Giáo sư Jeanluc Durosoir, Tổng giám đốc Viện Pasteur Paris và các Viện Pasteur trên thế giới tham dự và phát biểu rất cảm động. Đặc biệt, Ngài đại sứ Thụy Sĩ ca ngợi  “Yersin chí công vô tư xuất thân từ Thụy Sĩ, từ Pháp và con người này nay đã trở thành công dân Việt Nam’’.

Ngày 11/11/1992, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập (theo QĐ số 1041QĐ-UB của UBND tỉnh Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Thế Trâm được bầu làm Chủ tịch Hội.

30 năm qua với 6 kỳ đại hội, Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin luôn phát triển không ngừng trên lĩnh vực nhân văn, khoa học, nhân đạo... có ảnh hưởng uy tín rộng lớn trong và ngoài nước. Hội đã làm tốt công tác đối ngoại, kết nối nhiều tổ chức quốc tế và cá nhân nhằm phát huy tài sản quý giá mà A. Yersin đã để lại, phối hợp với đài truyền hình trong và ngoài nước sản xuất nhiều bộ phim, sách báo về Ông bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp. Hội nối tiếp chăm lo người nghèo, giúp đỡ những vùng bão lụt khó khăn, có phòng khám từ thiện miễn phí tại số 11 Sinh Trung, Tp. Nha Trang từ năm 1993.

Hàng năm mỗi khi tết đến xuân về, hàng vạn phần quà được Hội vận động để tặng cho các gia đình nghèo, tặng hàng ngàn chiếc xe đạp, tiếp nối vòng tay yêu thương đến các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Và cứ mỗi năm đến ngày giỗ Ông, ngày 1 tháng 3, cũng như kỷ niệm ngày sinh, ngày 22 tháng 9, Hội đón hàng trăm khách trong và ngoài nước đến tưởng niệm và dâng hương. Thật hiếm có một người nước ngoài được nhân dân Việt Nam quý mến, ngưỡng mộ và tôn thờ như một vị bồ tát.

Là cán bộ tiền nhiệm trải qua 5 nhiệm kỳ, người vinh dự cùng nhiều bạn bè gắn bó từ lúc mới hình thành, thời kỳ còn gian khổ khó khăn đến phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay, tôi chân thành cám ơn và tri ân các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Hội trong suốt 30 năm, cám ơn thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp và phát huy tinh thần nhân văn cao cả của A. Yersin. 

HỘI NHỮNG NGƯỜI ÁI MỘ BÁC SĨ A. YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA QUA CÁC THỜI KỲ

1YYi_hYi_HYi_Ai_mY_Yersin_19-11

Đại hội nhiệm kỳ VI

GS.TSKH NGUYỄN THỊ THẾ TRÂM
Chủ tịch danh dự Hội những người ái mộ Bác sĩ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa
 

Ý kiến của bạn