Hội Những Người Ái Mộ
BÁC SỸ A.YERSIN TỈNH KHÁNH HÒA
 

BÁC SĨ A. YERSIN VÀ CÂY CANH-KI-NA Ở ĐÔNG DƯƠNG

Thứ hai, 16/01/2023, 14:42 GMT+7

Bác sĩ A.Yersin được thế giới và Việt Nam biết đến là một bác sĩ, một nhà vi trùng học có nhiều nghiên cứu về dịch tễ vi trùng tìm ra nhiều phương pháp nghiên cứu và vắc xin điều trị bệnh cho con người.

Bác sĩ A.Yersin đến Việt Nam năm 1981. Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực thuốc và y học, ông học lâm nghiệp, thiên văn, xây dựng quy hoạch tài chính ngân hàng. Ông tìm ra nhiều vùng đất mới như Cao nguyên Langbiang, tìm ra vi trùng gây bệnh dịch hạch tại Hồng Kông, tìm ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch…. Ông là người lập ra trang trại chăn nuôi Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa) để nuôi ngựa và gia cầm để nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Ông lập ra các viện Pasteur ở Việt Nam và là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y khoa Hà Nội ngày nay. Ông để lại cho đời nhiều công trình nghiên cứu và sản phẩm phục vụ cuộc sống con người. Một trong những sản phẩm độc đáo ấy là di thực và trồng thành công cây CANH-KI-NA (QUIQUINA-QUININE). Vào đầu thế kỷ XX, bệnh sốt rét đã lan rộng ở các nước Đông Dương với diễn biến phức tạp và gây tử vong cao nhưng chưa có thuốc đặc trị. Sản xuất thuốc đã gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu. Mọi hy vọng tập trung vào việc phát triển cây KÝ NINH (QUIQUINA-QUININE). Trước đó, vào năm 1886, ông Paul Bert (Toàn quyền Đông Dương) đã thí điểm trồng cây ký ninh ở miền Bắc (Ba Vì) nhưng không thành công.

Cây KÝ NINH (QUIQUINA-QUININE) có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Peru, Bolivia,...). Từ thế kỷ XVI, người dân bản địa Peru đã biết sử dụng vỏ cây Quinine, sấy khô và tán thành bột để chữa bệnh sốt rét. Sau đó, các tu sĩ người Tây Ban Nha đã khai thác và chuyển về châu Âu. Phương thuốc này đã cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoạt chất Quinine lần đầu tiên được phân lập vào năm 1820 từ vỏ cây Cinchona.

8.4

Cây Canh-ki-na (Ký ninh)

Tại Việt Nam, BS. Yersin đã nỗ lực khảo sát tìm địa điểm phù hợp để di thực cây ký ninh từ Java về Việt Nam. Năm 1919, BS. Yersin được sự đồng ý  của Toàn quyền Đông Dương và Bộ Canh Nông cho Viện PASTEUR Nha Trang nghiên cứu. Ở Đông Dương đã trồng thử nghiệm cây ký ninh tại Hòn Bà (Khánh Hòa) bằng cây hạt và cây ghép. Thế nhưng do điều kiện khí hậu và đất đai không thuận lợi, cây phát triển chậm, ngoài ra còn bị nhiễm nấm bệnh. 

Đến năm 1925, BS. Yersin đã chuyển hướng, đưa cây ký ninh lên trồng ở Dran, Xuân Thọ (Đà Lạt). Tại đây, cây ký ninh đã phát triển tốt, ra hoa và kết trái.

Từ năm 1932 - 1942, BS. Yersin gắn bó với Trạm nghiên cứu Lang Hanh (Lâm Đồng) và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây ký ninh. Các khu vực trồng cây ký ninh, khoảng 700 ha, đã được thu hoạch vỏ để điều chế thuốc trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên trong thời gian chiến tranh, nhiều diện tích trồng ký ninh bị bỏ hoang, cây chết dần, hiện còn lại rất ít. Vả lại, thuốc sốt rét đã có nhiều loại điều trị hiệu quả hơn. Vì thế, người dân đã phá bỏ các khu rừng canh-ki-na để lấy đất trồng cà phê và nhiều loại rau quả khác làm cho cây canh-ki-na không còn trồng ở nhiều vùng nữa.

Đầu những năm 2000, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm đến Hòn Bà để ghi nhận những công trình nghiên cứu của BS. Yersin tại đây. Đã có nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm một số loài cây do ông đã di thực, trong đó có cây ký ninh. Nhưng họ chỉ phát hiện vết tích một số luống của vườn ươm, ngoài ra không tìm thấy cây ký ninh nữa.

8.3

Các nhà nghiên cứu tìm kiếm cây Canh-ki-na

Gần đây, với mong muốn lấy cây ký ninh về trồng lưu niệm tại các nơi di tích của Dr. Yersin, như ngôi mộ của BS. Yersin và ở đỉnh Hòn Bà. Để chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày BS. Yersin đến Việt Nam (7/1891) và 158 năm ngày sinh của Ông (22/9/1863), việc truy tìm cây ký ninh lại được một số nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra (dựa trên các tư liệu cũ). Tuy nhiên đã có lúc bị nhầm lẫn với loài cây khác cùng họ với cây ký ninh. Với sự hợp tác của một số nhà khoa học tận tụy ở Viện Lâm nghiệp và các nhà lâm sinh Lâm Đồng, Hội Ái mộ BS. Yersin, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa cuối cùng đã tìm thấy cây ký ninh tại Xuân Thọ (Lâm Đồng) vào tháng 8/2020. 

Việc nhân giống di thực cây ký ninh về lại Hòn Bà và các nơi di tích của Dr. Yersin mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc, để tỏ lòng tri ân đối với BS. Yersin, Công dân danh dự Việt Nam, một nhà khoa học vĩ đại của nhiều ngành khoa học, người đã thừa nhận Nha Trang - Khánh Hòa là quê hương của mình.

BÁC SĨ NGUYỄN VĂN XÁNG
Phó Chủ tịch Hội Những người ái mộ Bác sĩ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa

-----------------

Bài viết có sử dụng hình ảnh và tư liệu Cuộc tìm kiếm CÂY CANH-KI-NA của Trần Giỏi, Mai Văn Thắng, Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Xáng, Lê Dũng Lâm và các tài liệu tham khảo.
1. Phạm Hoàng Hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam - Quyển 3, p.135, NXB Trẻ
2. Nguyễn Gia Nùng (2012), Những mẩu chuyện về Yersin, NXB Trẻ
3. http://www.theplantlist.org/tpl1.1/record/kew-40562
4. https://pfaf.org/user/Plant.aspx?LatinName=Cinchona+ledgeriana
5. LA Cochinechine Agricola, “Bàn về việc trồng thử CÂY CANH-KI-NA ở Đông Dương của BS. YERSIN”

Ý kiến của bạn